Bí Quyết Thu Thập Dữ Liệu Cho Bài "Khảo Luận"

Có nhiều loại nguồn tài liệu mà bạn có thể thu thập và tham khảo như: nguồn tài liệu in ấn, nguồn truy cập trên mạng, và nguồn tài liệu khác như phỏng vấn, thăm dò, các nguồn nghe nhìn…

Bí Quyết Thu Thập Dữ Liệu Cho Bài "Khảo Luận"

1/ Nguồn Tài Liệu Chính Yếu Và Thứ Cấp

Nguồn tài liệu chính yếu. Là những tài liệu căn bản ít có hoặc không có sự chú thích hay sửa chữa của nhà xuất bản như bản thảo, nhật ký, thư tín, phỏng vấn hay những bản tường trình. Nó được tạo ra bằng sự quan sát trực tiếp.

Nguồn tài liệu thứ cấp. Lấy từ nguồn tài liệu chính yếu như những bài phân tích, diễn giải, bình luận nguồn tài liệu chính yếu. Nguồn tài liệu thứ cấp được ghi lại một cách gián tiếp. Chúng dựa vào thông tin của các nguồn chính yếu hoặc các nguồn thứ cấp khác. Nguồn thứ cấp thường giải thích triển khai rộng rãi hơn nguồn chính yếu và có thể chịu ảnh hưởng bởi quan điểm của tác giả.

2/ Cách Tìm Tài Liệu

a. Tìm tài liệu in ấn trong thư viện

Trong giai đoạn sơ khởi, bạn cần viết xuống những thông tin liên hệ đến đề tài từ mỗi quyển sách hay tài liệu, mặc dầu có thể bạn sẽ không sử dụng trong bài viết.

Trước khi bắt đầu viết một bài khảo luận, bạn nên làm quen với nguồn tư liệu và những dịch vụ tại thư viện như bàn chỉ dẫn, khu vực tham khảo, cách sắp xếp (theo hình thức thẻ ghi hoặc trên mạng), những sách dẫn cho tạp chí xuất bản định kỳ, phòng đọc, tài liệu do chính phủ ban hành, và những lãnh vực đặc biệt.

Nếu bạn gặp trở ngại trong việc tìm kiếm thông tin, bạn nên ngờ người quản thủ thư viện là người không chỉ am tường về thư viện nhưng cũng kinh nghiệm trong việc sử dụng các tài liệu tham khảo.

- Các sách dẫn (Indexes)

Sách dẫn là một cuốn sách trong đó liệt kê tên hay đề tài theo thứ tự a, b, c. Một vài sách dẫn cũng liệt kê sách và nhiều tài liệu khác.

Sách dẫn tổng quát. Bao trùm phạm vi rộng lớn các chủ đề, vì loại này liệt kê các bài báo, bài xã luận, hay bài phê bình, trong một số báo định kỳ.

Sách dẫn chuyên biệt. Tập trung vào những lãnh vực cụ thể gồm những tài liệu thu thập tư những tờ báo định kỳ và sách. Hiện nay sách dẫn được vi tính hoá.

- Hệ thống phân loại sách trong thư viện

Những tại liệu tại thư viện được phân loại chi tiết và mỗi tài liệu được ghi vào những tấm thẻ nhỏ được gọi là thư mục. Thẻ thư mục được sắp xếp theo thứ tự chữ cái theo 3 cách: tên tác giả (author), theo tựa đề (title), và theo chủ đề (subject).

Sách trong thư viện được phân loại theo một trong hai hệ thống: hệ thống quốc hội và hệ thống thập phân (đã lỗi thời).

Hiện nay hầu hết các thư viện đã vi tính hoá thẻ thư mục. Nhưng cách thức tra cứu sách trên vi tính vẫn theo tên tác giả, tựa đề, và đề tài.

Tóm lại: khi viết một bài khảo luận cho môn học hoặc một bài báo cáo luận tốt nghiệp, bạn cần thu thập tài liệu liên quan đến đề tài học. Cần ghi chú những gì mình đọc để bạn có thể trích dẫn trong bài viết. Bạn nên copy những chỗ quan trọng cũng như ghi rõ tác giả, nhà xuất bản, trang sách, năm xuất bản… để tiện tra cứu cũng như soạn thư mục.

Nếu đề tài cho phép, bạn nên sử dụng nguồn sách và các tạp chí định kỳ tương đương với nhau.

b. Tìm tài liệu trên mạng

Bạn có thể truy cập nguồn thông tin trên mạng trên toàn thế giới từ máy tính của bạn. Bạn cần nhớ, mọi thông tin trên Internet liên tục được cập nhật, cải thiện, di chuyển và cắt bỏ. Khi bạn thực hiện công việc dò tìm bạn nên chép lưu vào máy tính của bạn.

3/ Các nguồn tài liệu khác

a. Phỏng vấn

Có thể phỏng vấn qua điện thoại, Email, đối thoại. Người được phỏng vấn phải là người có sự am hiểm trong lĩnh vực được nghiên cứu, có thẩm quyền, chuyên gia uy tín. Chỉ phỏng vấn khi không thể thu thập tài liệu bằng cách khác. Một quyển sách hay bài báo của một tác giả vẫn có giá trị hơn bài phỏng vấn. Câu hỏi càng cụ thể càng giúp người được phỏng vấn trả lời rõ ràng, trực tiếp đến vấn đề.

b. Thăm dò.

Thăm dò rất hữu ích khi bạn muốn đo lường ứng xử, hoặc thái độ của công chúng một cách công bằng. Việc thăm dò mang tới một kết luận mang tính định lượng. Câu hỏi thăm do phải tự nhiên, không mang thành kiến.

c. Các nguồn nghe nhìn.

Có thể qua video, cát-sét, tài liệu truyền hình, radio, phim ảnh, bài diễn thuyết.

4. Lập Thẻ Thư Mục Cá Nhân

Thẻ ghi chú giúp ghi lại những chi tiết về nguồn tài liệu mà bạn tìm được. Bạn có thể ghi lại những câu hay đoạn mà bạn có thể dùng trích dẫn trong bài khảo luận. Kiểm tra chính xác số trang nơi bạn đã sao chép thông tin. Bạn có thể lập thẻ thư mục trên máy tính, giúp dễ dàng chỉnh sửa, cập nhật, sắp xếp theo thứ tự.

Mẫu thẻ thư mục cho sách.

- Số gọi: PR 2981 M77

- Tác giả/biên tập viên: GS. Hoàng Trọng.

- Tựa đề: "Vấn Đề Môi Sinh Tại Việt Nam

- Nhà xuất bản: NXB Khai Sáng.

- Nơi xuất bản: Đà Nẵng.

- Năm xuất bản: 2003

- Thư viện lưu sách: Thư viện Khoa Học Tổng Hợp - TP. Đà Nẵng.

Mẫu thẻ thư mục cho tạp chí định kỳ.

- Tác giả: Sullivan, Jack.

- Tựa đề bài báo: "Weight Training techniques

- Tựa đề tạp chí: Sport Illustrated

- Ngày viết bài báo: 31 Octorber, 1988

- Số trang: 17-22

- Tên thư viện: Rosemead Library.

Mẫu thẻ thư mục nguồn điện tử.

- Địa chỉ web:

- Nội dung: Complete Works of Shakespeare

- Dịch vụ vi tính: America On-line

- Ngày truy cập: 7/7/98

Mẫu thẻ thư mục cho bài phỏng vấn

- Tên người được phỏng vấn: Phỏng vấn Ông Nguyễn Văn X

- Để tại nghiên cứu: "Tìm Hiểu Dân Ca Nam Bộ"

- Địa chỉ và số điện thoại: 36 Hoàng Diệu, Đà Nẵng, Việt Nam. 817983

- Ngày phỏng vấn: Tháng 5/2005

5. Lượng Giá Nguồn Tài Liệu.

a. Có giá trị.

Có được giới học giả, quẩn chúng đánh giá cao không? Thông tin còn hợp thời hay đã bị đào thải? Trong nhiều lãnh vực nghiên cứu, bài khảo luận thường trích dẫn các tài liệu mới được xuất bản.

b. Đáng tin.

Khi đọc một thông tin bạn cần đánh giá, phê phán trước khi sử dụng. VD:

- Ai là người viết giới thiệu cho sách? Nên có lời giới thiệu ở đầu trang của những người nổi tiếng, có học vị trong lĩnh vực đó.

- Nxb có danh tiếng và đáng tin cậy? Thường xuất bản loại sách nào? Tờ báo có tính học thuật cao, tờ báo của trường đại học nổi tiếng, Nxb lớn.

- Ngày xuất bản, có được cập nhật không? Tư liệu là ấn bản đầu tiên, bản hiệu đính, hay bản in lại?

- Nguồn tin có hoàn chỉnh? Các dữ kiện có bị cắt bỏ không? Đối chiếu với các thông tin khác.

- Tác giả có trình bày bằng chứng đầy đủ để hỗ trợ cho luận đề không? Bằng chứng có nhất quán không? Tác giả có công bằng, khách quan không? Có đưa ra thông tin xuyên tạc không? Nguồn tại liệu có đưa ra khuynh hướng, quan điểm, hay chủ kiến của tác giả không?

- Nguồn thông tin hay lời tuyên bố có cơ sở không? Trong nghiên cứu dữ kiện lúc nào cũng quan trọng hơn lý luận, và dữ kiện sức mạnh để nhà nghiên cứu khẳng định công trình của mình.

c. Khách quan. Là nguồn tài liệu không mang thiên kiến, hay định kiến nào.

d. Thẩm quyền. Tác giả phải là người có thẩm quyền, khả năng chuyên môn trong lĩnh vực bạn nghiên cứu. Như: học vị, khả năng chuyên môn, kinh nghiệm, thẩm quyền, nổi tiếng trong lĩnh vực...sẽ giúp bạn quyết định lựa chọn nguồn tài liệu. Một tiến sĩ hóa học sẽ không đủ uy tín để viết về sinh học. Một nhà chuyên môn mà chưa có đề tài công bố thì phải thận trọng.

e. Thích hợp. Nguồn thông tin chỉ được sử dụng khi nó thích hợp, dù nó có uy tín hay không. 

- Có mang nặng tính kỹ thuật không?

- Có được viết ở mức thích hợp cho người đọc không?

- Có cung cấp thôn tin bạn cần không?

- Có thích hợp cho mục tiêu, mục đích bài nghiên cứu của bạn?

Nguyễn Hưng - Bài viết là sự tóm gọn dựa trên "Phương Pháp Viết Khảo Luận" - Union College of California, tháng 5, 2006.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét