Chọn Đề Tài "Khảo Luận": Những Yếu Yố Cần nhắc

1/ Chọn đề tài thích hợp

Khi chọn đề tài, cần xác định lãnh vực đề tài nghiên cứu, giới hạn đề tài và phát biểu đề tài dưới dạng câu hỏi hay giả thuyết.

Chọn Đề Tài "Khảo Luận": Những Yếu Yố Cần nhắc

a. Lãnh vực nghiên cứu

Đối với bài khóa luận: giáo sư đưa ra các đề tài cho sinh viên nghiên cứu. Riêng Luận văn & Luận án tốt nghiệp: sinh viên tự chọn đề tài nhưng phải được sự đồng ý của giáo sư cố vấn.

Khi quyết định chọn đề tài, bạn nên xem xét những yếu tố như khả năng và lợi thế của bạn về đề tài cũng như thời gian cho phép để hoàn thành bài viết.

b. Cơ sở chọn đề tài

Khi tập trung vào một đề tài cụ thể, bạn phải lượng giá: tầm quan trọng và lợi ích hay tính thực tiễn của đề tài, khả năng bạn có thể nắm vững đề tài (đặc biệt đề tài gây nhiều tranh luận), và nguồn tài liệu sẵn có.

Một bài khảo luận xuất sắc không chỉ phụ thuộc vào nội dung mà còn ở phạm vi mà bạn có thể nắm vững. 

c. Giới hạn đề tài.

Một đề tài được giới hạn là một đề tài trong một phạm vi mà bạn có thể xử lý được. Những đề tài quá rộng, quá hẹp, hay mang tính chuyên sâu đều sẽ ngăn trở bạn trong việc tìm kiếm nguồn tài liệu thích hợp. Trong vấn đề bạn đang nghiên cứu, bạn cần tập trung vào một điểm nào đó và khai triền chung quanh điểm đó.

2/ Đặt vấn đề bàn thảo:

Trong giai đoạn sơ khỏi, bạn có thể đặt vấn đề dưới dạng một câu hỏi hay một giả thiết. Những vấn đề bạn nêu lên không hẳn là tựa đề của bài khảo luận của bạn.

a. Đặt vấn đề dưới dạng một câu hỏi. Bài khảo khuận sẽ trả lời những câu hỏi mà bạn đã nêu ra.

b. Đặt vấn đề dưới dạng một giả thuyết.

Dựa vào những sự kiện và ý tưởng bạn tìm thấy để điều chỉnh lại giả thiết nhiều lần. Câu trả lời của bạn cho câu hỏi hoặc câu giả thiết của bạn sau khi được điều chỉnh sẽ trở thành câu luận đề hay ý tưởng chủ đạo cho toàn bài viết của bạn. 

Tóm lại khi chọn đề tài bạn cần tự hỏi: Những vấn đề nào tôi muốn trả lời? Bằng phương pháp nào tôi sẽ trả lời những vấn đề này hoặc đạt được mục đích? Bài luận văn này đem lại những lợi ích nào? Bạn nên chọn đề tài nằm trong lãnh vực của môn học, một đề tài mà bạn thích thú, muốn tìm hiểu, và có đủ thì giờ cũng như khả năng để tìm hiểu.

c. Triển khai vấn đề được nêu lên.

Những câu hỏi sẽ giúp bạn giới hạn vấn đề và đồng thời triển khai vấn đề. Sau đó bạn có thể chọn một đề tài thích hợp.

Sau khi đã chọn đề tài, bạn phải dùng lý luận và trí tưởng tượng để xác định bài khảo luận của bạn nên có những tiểu đề nào.

Sau khi đã thu hẹp chủ đề và liệt kê những tiểu đề, bạn có thể viết thử một câu luận đề cho đề tài.

3/ Viết Câu Luận Đề

a. Định nghĩa câu luận đề.

Câu luận đề là câu trả lời cho vấn đề được nêu ra khi bạn bắt đầu khảo cứu, hay câu phát biểu một giả thiết về vấn đề đó. Luận đề được phát biểu trong một vài câu sẽ là ý tưởng chủ đạo mà toàn bài khảo luận sẽ xoay quanh. 

Câu luận đề chứa đựng những từ ngữ diễn đạt thái độ, ý kiến, hay một ý tưởng về một đề tài. Câu luận đề bao quát tất cả những điều bạn dự định viết và trình bày cho độc giả của bạn về một vấn đề nào đó.

b. Đặc điểm câu luận đề.

(1) Câu luận đề phải được diễn tả trong một câu hoàn chỉnh, diễn tả trọn một ý tưởng. Không nên viết bằng một câu hỏi.

(2) Câu luận đề lên một ý kiến, thái độ hay một ý tưởng. Đó là một ý kiến mà độc giả có thể đồng ý hoặc không đồng ý.

(3) Câu luận đề bày tỏ một quan điểm. Câu luận đề không phải nói lên một sự thật hiển nhiên nhưng là một câu tuyên bố mà người khác có thể không đồng tình nên cần phải giải thích hay chứng minh.

(4) Câu luận đề diễn tả một ý tưởng hướng về một chủ đề. Nếu câu luận chứa đựng hai hoặc ba ý tưởng thì bài viết sẽ rời rạc, mông lung. 

(5) Câu luận đề giới hạn ý tưởng của người viết trong một phạm vi thích hợp.

(6) Câu luận đề của bạn phải bao gồm những điểm được triển khai trong bài viết.

Nguyễn Hưng - Bài viết là sự tóm gọn dựa trên "Phương Pháp Viết Khảo Luận" - Union College of California, tháng 5, 2006.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét