Kinh Nghiệm Về "Truyền Giáo"

 1. Truyền giáo là gì?

"Truyền giáo" là hành động cao đẹp nhằm mang Lời Chúa đến với mọi người xung quanh. Nó không chỉ thể hiện trách nhiệm, mà còn lòng yêu mến Chúa, yêu tha nhân. 

Kinh Nghiệm Về "Truyền Giáo"

Tôi vốn được trưởng dưỡng trong gia đình có truyền thống tin Chúa lâu đời. Khi còn nhỏ, trong lớp học thiếu nhi, tôi và các bạn nhỏ được cô giáo đặt câu hỏi: “nếu bây giờ Chúa Jesus trở lại, các em sẽ làm gì?”

            Câu hỏi tuy đơn giản, nhưng đầy tính suy nghĩ giành cho những đứa nhỏ vô lo, vô nghĩ như chúng tôi. Tôi nhớ lúc đó có bạn trả lời, em sẽ đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, bạn thì nói em sẽ làm chứng về Chúa Jesus. Bản thân tôi thì không có ý kiến, vì tôi chưa hiểu gì về khái niệm này.  Tuy nhiên, nó để lại trong tôi dấu ấn về trách nhiệm của một người tin Chúa.

Tôi nhớ lúc đó, cô giáo giải thích với chúng tôi bằng ngôn ngữ đơn giản. Cô nói, khi Chúa Jesus trở lại, các em sẽ không còn cơ hội để cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, hay làm chứng về Chúa nữa. Cơ hội để làm công việc đó là ngay bây giờ! 

Dù với suy nghĩ còn non nớt, nhưng tôi hiểu điều cô nói. Hội Thánh chúng tôi vốn là Hội Thánh lâu đời, với nhiều thế hệ trong gia đình nhóm lại. Tuy nhiên, đã rất lâu rồi không có người mới tin Chúa trong Hội Thánh. Cô đã dạy chúng tôi rằng, các em phải có trách nhiệm làm chứng về Chúa cho mọi người xung quanh về Chúa Jesus. Từ đây, hình thành nên ý thức đầu tiên trong tôi về  “truyền giáo”. 

Tuy nhiên, cái từ “truyền giáo” tôi chính thức nghe lần đầu khi 18 tuổi. Khi ấy tôi chứng kiến một số anh chị em đi lên vùng cao để “truyền giáo”. Lúc đó đối với tôi “truyền giáo” là được sai đi đến một khu vực xa xôi nào đó để dạy đạo, giúp đỡ đức tin cho những người đồng bào ở vùng cao, nó chưa bao gồm rao báo tin mừng cho những người chưa biết về Chúa.

Sau bao năm tin Chúa, tôi mới hiểu sâu sắc hơn về khái niệm “truyền giáo”. Đối với tôi “Truyền giáo” đơn giản là chia sẻ niềm tin của mình với mọi người xung quanh. Không phải cứ lên vùng cao xa xôi, hay các dân tộc, đất nước khác mới được gọi là truyền giáo. Truyền giáo đối khi chỉ là bày tỏ niềm tin của mình với những người thân yêu, hàng xóm, bạn bè, và với bất cứ ai mà chúng ta đang có cơ hội gặp gỡ. Truyền giáo nên được dạy dỗ, chia sẻ trong các cộng đồng Hội Thánh. Nếu được nên xây dựng các đội ngũ truyền giáo mang tính chuyên nghiệp để trinh phục những người hư mất về cho Chúa Jesus. 

Các Hội Thánh nên nhấn mạnh và có quan niệm đúng đắn về truyền giáo. Truyền giáo không chỉ có nghĩa là các buổi chia sẻ Lời Chúa trong các cuộc truyền giảng. Có thể chúng ta không phủ định các công tác truyền giảng trong Hội Thánh, nó cũng mang đến những ảnh hưởng tích cực về việc chia sẻ niềm tin. Tuy nhiên, thực tế chứng minh có những cuộc truyền giảng to lớn, chi phí hàng tỷ đồng, có hàng ngàn người đứng lên tiếp nhận Chúa. Nhưng có mấy ai trong số họ thực sự đi nhà thờ, đôi khi là sự lảng tránh những người đã từng dẫn họ tham gia các buổi truyền giảng đó.

Theo tôi, truyền giáo nên được thực thi bằng các công tác xã hội mang tính ảnh hưởng tích cực ra cộng đồng. Như xây dựng trường học, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc người bệnh, giúp đỡ những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, xây dựng đường xá, dạy tiến anh cho các trẻ em vùng cao…Có lẽ có rất nhiều công tác mà chúng ta không thể kể hết được, nhằm qua đó thực thi các công tác truyền giáo của Hội Thánh.

Kết lại quan điểm về “truyền giáo” tôi xin kể câu chuyện mà tôi từng nghe từ rất lâu. Câu chuyện kể về người phụ nữ đến với một ngôi làng chưa biết Chúa Jesus. Ở đó bà chỉ thực hiện những công tác giúp đỡ cho những người sinh sống trong ngôi làng đó và cầu nguyện cho họ. Dù không trực tiếp chia sẻ Chúa Jesus chọ họ, nhưng những người trong ngôi làng đã tiếp nhận Chúa Jesus qua đời sống bà.[1] Vì thế theo tôi, Hội Thánh cần những con người sẵn lòng thực hiện các công tác giúp đỡ xã hội nhằm mang thông điệp đức tin đến với mọi người xung quanh.



[1] Câu chuyện được nghe kể lại trong một lần nghe giảng vào Chúa Nhật nhiều năm về trước, chưa xác định rõ tính xác thực của thông tin.


2. Sứ mạng của tôi trong truyền giáo

Tôi vốn dĩ sinh trưởng trong một gia đình Cơ Đốc nhiều thế hệ, đã giúp tôi sớm hình thành những suy nghĩ về “sứ mạng truyền giáo”. Truyền giáo không chỉ là “sứ mạng” mà còn là “trách nhiệm” cho mọi người tin Chúa. Vì bản chất “sứ mạng” là sự giao phó, còn trách nhiệm là nhận lấy sự giao phó.[1] Nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay, dầu có sứ mạng, nhưng lại không nhận thấy đó trách nhiệm truyền giáo. Trách nhiệm phải đến từ ý thức về bản thân, gia đình và mọi mối quan hệ xung quanh. 

Khi nói về  “tôi đang thực hiện sứ mạng truyền giáo như thế nào”? về mặt ý nghĩa, câu hỏi này mang tầm vóc quá to lớn. Khi nói về “sứ mạng” là nói về một nhiệm vụ lớn, quan trọng được thể hiện qua khả năng nhìn xa trông rộng, thấy được bức tranh toàn cảnh, rõ nét về tương lai. [2] Vì thế “sứ mạng truyền giáo” theo một ý nghĩa nào đó chúng ta cần phải gắn bó, sống chết, tận tâm và thực hiện nó với quy mô có tổ chức. Với ý nghĩa này, dướng như mấy ai có thể thực hiện được “sứ mạng truyền giáo”. Bản thân tôi cũng chưa thể thực hiện được với sứ mạng này.

Tuy nhiên, trên khía cạnh nào đó tôi xin chia sẻ một vài khía cạnh của tôi liên quan đến “truyền giáo”. Với quan điểm “truyền giáo” là chia sẻ niềm tin của mình với mọi người xung quanh.

Tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi thật sự chia sẻ niềm tin của mình là với một bạn nữ khá xinh xắn  khi đó tôi 16 tuổi. Tôi tiếp cận bạn ấy, cũng vì bề ngoài xinh xắn và muốn được làm quen. Tôi không ngờ đó lại là cơ hội để tôi chia sẻ niềm tin Cơ Đốc của mình và bạn ấy đã đồng ý tiếp nhận Chúa. Tôi nhớ khi đó tôi tới thăm trại cai nghiện Cơ Đốc tại Thái Bình. Tôi gặp bạn ấy khi thăm anh trai mình đang cai nghiện nơi đây. Khi hỏi mới biết bạn ấy chưa tin Chúa, nên tôi làm quen và làm chứng về Chúa Jesus cho bạn và mời bạn ấy tiếp nhận Chúa. Với lời mới đơn giản, tôi không ngờ bạn ấy đã đồng ý, và đây là kinh nghiệm đầu tiên đối với tôi, để làm chứng cho ai tin Chúa.

Lần thứ hai là khi tôi tham gia lớp học Kinh Thánh lúc 18 tuổi. Tôi đi chung với một số anh chị trong lớp học để tới xóm trọ khu công nghiệp Sóng Thần chứng đạo. Tôi nhỏ tuổi nhất, nên được giao trách nhiệm cầu nguyện và học tập phương thức chứng đạo. Chúng tôi gõ cửa từng phòng trọ, phát chứng đạo đơn. Khi đó có một phòng trọ đang mở cửa và có khoảng 5-6 người bên trong. Chúng tôi xin phép được chia sẻ Chúa Jesus cho họ. Tôi nhớ khi đó các anh chị đang làm chứng, và họ tỏ vẻ không muốn nghe, người đi ra, người đi vào, còn tôi thì cầu nguyện.

Với cảm xúc nóng cháy bởi sự cảm thúc Đức Thánh Linh, tôi buột miệng và làm chứng với họ. Kỳ thực, đến giờ tôi cũng không nhớ mình nói gì, tôi chỉ nhớ lúc đó họ đứng lại, ngồi xuống lắng nghe giống như được Đức Thánh Linh bắt phục. Tôi nhớ khi đó, tôi mời họ quỳ gối xuống để tiếp nhận Chúa và tất cả họ đều quỳ gối và xưng nhận niềm tin.

Có lẽ rất nhiều lần tôi từng làm chứng như thế, nhưng ấn tượng của nó không bằng việc tôi làm chứng cho người thân của mình. Tôi là người đã mời thầy truyền đạo về nhà hướng dẫn mẹ tôi tiếp nhận Chúa. Mẹ tôi vốn dĩ là người theo Phật giáo, lấy bố tôi và có đi nhà thờ, tuy nhiên, bà chưa một lần cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Tôi để ý nhiều lần bà dấu gia đình thắp hương cúng bái trước một cái gương. Sau này lớn hơn và ý thức được điều này, tôi nhận thấy bà chưa tin nhận Chúa. Tôi đã mời thầy truyền đạo về nhà giảng giải và hướng dẫn mẹ tôi tiếp nhận Chúa. Hiện tại, mẹ tôi đứng vững trong đức tin, biết cầu nguyện cho con cái và mạnh mẽ tham gia thờ phượng Chúa vào mỗi Chúa Nhật.

Người thứ hai trong gia đình là bà ngoại tôi. Bà là một người nữ mạnh mẽ, với trên 50 năm tuổi đảng, từng giữ chức vụ trong nhà nước. Sau khi ông ngoại qua đời, bà một tay nuôi dạy con cái và chăm sóc ba mẹ chồng khi tuổi xế chiều. Ngoại cũng là người nuôi tôi khi còn nhỏ, nên trong gia đình, tôi là người gần gũi và hiểu ngoại. Sau khi trưởng thành, tôi ý thức về niềm tin và cũng ý thức điều gì sẽ xảy đến khi một người không có Chúa Jesus. Tôi đã dẫn ngoại đến nhà thờ, sau bài giảng của thầy truyền đạo, tôi mời ngoại tiếp nhận Chúa Jesus. Dù chưa thực sự mong muốn, nhưng ngoại đã đồng ý cầu nguyện. Trước khi ngoại qua đời, tôi còn nhớ ngoại là một người rất trung tín thờ phượng Chúa. Có những lúc ngoại đi bộ hàng giờ, đi qua các cánh đồng quê để đến Hội Thánh. Điều ấy cho thấy ngoại đã đứng vững trong đức tin. Trước khi qua đời, ngoại yêu cầu được tổ chức theo nghi thức Tin Lành. Tuy nhiên, một số con cháu trong gia đình chưa tin Chúa, nên gia đình không có sự thống nhất trong việc tổ chức tang lễ. Vì ngoại từng là người của nhà nước, nên bên chính quyền lên tiếng tổ chức tang lễ cho ngoại.

Người thứ ba tôi muốn kể đến là ông bà nội của vợ tôi. Trong một lần có cơ hội về Quảng Nam thăm quê nội vợ. Nhận thấy ông bà nội vợ tôi chưa tin Chúa, dù nhiều lần ba vợ tôi chứng đạo. Do ông bà đã lớn tuổi, tôi nhận thấy đây có lẽ là cơ hội cuối để ông bà tiếp nhận Chúa. Khi trong phòng tôi đã cầu nguyện trình dâng lên Chúa điều này. Ra khỏi phòng tôi lập tức tiến tới chia sẻ về Chúa Jesus cho ông bà. Tôi đã nói “đây có lẽ là cơ hội cuối cùng con có thể chia sẻ với nội về Chúa Jesus, để qua đó nội nhận được món quà cứu rỗi, nếu nội đồng ý con sẽ hướng dẫn nội cầu nguyện tiếp nhận Chúa.” Tôi đã kêu gọi ông bà quỳ gối xuống và tiếp nhận Chúa và họ đồng ý. Tạ ơn Chúa, sau hơn một năm tiếp nhận Chúa thì ông bà nội qua đời. Tôi tin rằng, linh hồn của họ đã được ở với Chúa nơi Thiên quốc.

Đây là những trường hợp mà tôi đã chia sẻ về Chúa Jesus cho họ. Tôi không dám nói mình đã thực hiện “sứ mạng truyền giáo”. Tuy nhiên, bằng cả tấm lòng của mình tôi luôn hy vọng mình có thể thực hiện được sứ mạng mà Chúa giao phó. Tôi luôn có những suy nghĩ truyền giáo qua các công tác xã hội. Tôi từng chia sẻ ý niệm của mình với Mục Sư và một số chấp sự trong nhà thờ. Có lẽ do họ không hiểu, hay họ không thấy đó là điều cần thiết nên tôi chưa có được sự ủng hộ. Vì với suy nghĩ của tôi, Hội Thánh không phải lúc nào cũng chỉ chăm lo cho các thuộc viên trong Hội Thánh. Hội Thánh nên có những công tác xã hội qua đó mang sự ảnh hưởng và truyền giáo cho mọi người xung quanh. 

Một lần đến thăm Oneway radio, tôi được chia sẽ về mục vụ giúp đỡ những bệnh nhân ung thư. Qua mục vụ có rất nhiều người tìm hiểu về niềm tin và tiếp nhận Chúa Jesus. Với cá nhân của tôi, tôi rất ủng hộ về điều này. 

Tôi cũng có ý tưởng truyền giáo thông qua công tác giáo dục. Như bài học có đề cập: “nhu cầu giáo dục, kinh tế và xã hội là điều thứ hai trong sứ mạng của Đức Chúa Trời với nhu cầu của họ cho sự cứu chuộc Tâm Linh”.[3] Tôi đã cầu nguyện, xây dựng ý tưởng, tuy nhiên với khả năng vốn có của mình tôi chưa thể thực hiện được. Tôi luôn cầu nguyện để Chúa giúp tôi có thể xây dựng được đội ngũ có cùng tâm tình để thực hiện ý tưởng. Vì tôi tin rằng, nếu mình chỉ dựa vào năng lực cá nhân, thì Đức Chúa Trời không thể hành động. Cũng như câu chuyện Mô-se khi ông tự nghĩ rằng với khả năng cá nhân có thể dẫn Y-sơ-ra-ên ra khỏi nô lệ thì ông thất bại. Cho đến khi ông tự nhận thấy mình không còn đủ năng lực, thì Chúa kêu gọi ông bước vào chức vụ.[4]!

Nguyễn Hưng

[1] Liên kết sứ mạng như một sự sai phái cho mục đích cứu chuộc, và Hội Thánh đáp lời mục đích cứu chuộc đó - Paul A. Pomerville, Giới Thiệu Về Truyền Giáo [ấn bản thứ 5], (Global University: Tài Liệu Tự Học), P.39, 40

[2] Kho Tri Thức, Quản Lý&Lãnh Đạo, Tầm Nhìn, Sứ Mệnh Là Gì?https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/tam-nhin-su-menh-la-gi, truy cập 27/11/2023

[3] Paul A. Pomerville, Op cit, P47

[4] Dựa theo ý tưởng bài học có trong mục “hai phẩm chất giáo sĩ quan trọng có trong Môi-se” - Paul A. Pomerville, Op cit, P97-98


***Lời xin phép: Bài viết có sử dụng hình ảnh chưa được phép, nếu tác giả có thấy, tôi có lời xin phép được tái sử dụng, nguyện Chúa ban phước trên quý vị - Chân thành cảm ơn!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét