Công Cuộc Tái Thiết Vách Thành Giê-ru-sa-lem Của Nê-hê-mi

Lịch sử Cựu Ước là bài học quan trọng, qua đó chúng ta thấy được cách Đức Chúa Trời vận hành trong quá khứ. Qua bài học lịch sử Cựu Ước thêm nên cho chúng ta đức tin về quyền tể trị Đức Chúa Trời. Chúng ta học được cách mà Đức Chúa Trời đã sử dụng các tôi tớ Ngài, cách mà Ngài lựa chọn những người lãnh đạo phù hợp cho dân Chúa. Những yếu tố tính cách, đặc điểm, tấm lòng, thái độ, cùng sự cưu mang cho công việc Chúa. Điều này nhắc nhở chúng ta là những người hầu việc Chúa, chúng ta nên có thái độ như thế nào để thích hiệp với  công tác, vai trò, chức vụ mà Chúa giao phó? Những thách thức, rào cản và cách vượt qua? Những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công trong chức vụ, và mang đến sự phục hưng cho dân Chúa? Vai trò người lãnh đạo dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời? Một nhà công nghiệp lỗi lạc từng nói “lịch sử nhân loại là ghi lại vô số thành đạt bên dưới chức vụ lãnh đạo”[1]. Qua công cuộc tái thiết vách thành Giê-ru-sa-lem chúng ta thấy được cách Đức Chúa Trời vận hành qua người lãnh đạo của Ngài là Nê-hê-mi. “Sách Nê-hê-mi tiếp tục câu chuyện về sự phục hồi dân Y-sơ-ra-ên đến xứ của họ. Nhiệm vụ của Nê-hê-mi là khôi phục Giê-ru-sa-lem thành một thành phố kiên cố. Cách ông đem đến sự khích lệ cần thiết để lãnh đạo dân Do Thái cuối cùng đến chỗ hoàn thành sự khôi phục.”[2]

Công Cuộc Tái Thiết Vách Thành Giê-ru-sa-lem Của Nê-hê-mi

1.     Nê-hê-mi Bắt Đầu Nhiệm Vụ Bằng Lòng Cưu Mang, Cầu Nguyện Và Khải Tượng.

Khải tượng luôn bắt đầu bằng sự nhận biết, thai nghén, cưu mang cho một vấn đề cấp bách nào đó. Điều này được thể hiện rất rõ trong đời sống của Nê-hê-mi:

Năm thứ hai mươi, nhằm tháng Kít-lơ, xảy khi tôi đương ở tại kinh đô Su-sơ, 2 có một người trong anh em tôi tên là Ha-na-ni với vài người Giu-đa đến tôi hỏi thăm chúng về dân Giu-đa đã được thoát khỏi, tức những kẻ đã bị bắt làm phu tù còn sót lại, và hỏi luôn về những việc Giê-ru-sa-lem. 3 Các người ấy nói với tôi rằng: Những kẻ bị bắt làm phu tù còn sót ở lại trong tỉnh, bị tai nạn và sỉ nhục lắm; còn vách thành của Giê-ru-sa-lem thì hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy. 4 Khi tôi nghe các lời ấy, bèn ngồi mà khóc, cư tang mấy ngày; tôi cữ ăn và cầu nguyện Đức Chúa của các từng trời,” (Nê-hê-mi 1:1-4). 

Ở đây, chúng ta nhận thấy Nê-hê-mi đã cưu mang cho công cuộc xây dựng vách thành Giê-ru-sa-lem khi ông biết được sự việc “vách thành bị hư nát và các cửa nó đã bị lửa cháy.” Vì vậy, cũng như Nê-hê-mi, các lãnh đạo Cơ Đốc cần nhận biết về tình trạng thuộc linh của dân sự.

Chúng ta nên có một tấm lòng cưu mang công việc Chúa, và khiến nó thành mục tiêu, mục đích, và khải tượng cho công tác phục vụ Đức Chúa Trời. Glenn Johnson có nói: “Trước khi Nê-hê-mi có thể đem lại một giải pháp, ông phải phải hiểu biết nan đề. Và trong quá trình hiểu biết nan đề ấy, ông đã biến nan đề của Giê-ru-sa-lem trở thành của chính mình.”[3] Vì thế, chúng ta không thể nào phục vụ Hội Thánh Chúa khi không biến các nan đề của Hội Thánh thành của chính mình.

Vách thành Giê-ru-sa-lem chắc chắn sẽ không được xây dựng nếu Nê-hê-mi chỉ dừng lại ở việc cưu mang, nếu ông không cầu nguyện và biến nó thành khải tượng rõ ràng. Khải tượng đơn giản là chúng ta nhìn thấy một sự kiện hiện tượng nào đó được hoàn tất trong tương lai. Cũng giống như việc: “Nê-hê-mi có thể thấy bức tường đã hoàn tất đang khi nhìn vào đống đổ nát của nó.”[4] Khải tượng đến bằng sự cưu mang, và được nuôi dưỡng bằng sự cầu nguyện. Mọi khía cạnh trong Hội Thánh có lẽ sẽ được giải quyết, khi người lãnh đạo bước đi bằng đời sống cầu nguyện và có khải tượng. Khải tượng giúp người lãnh đạo làm việc có mục tiêu, mục đích, và không lan man. 

Khải tượng được coi là sự hướng dẫn của Chúa giành cho người lãnh đạo Cơ Đốc.  “Nê-hê-mi bị hạn chế hành động cho đến khi được Chúa hướng dẫn rõ ràng.”[5] Vì vậy, để thành công trong chức vụ, người lãnh đạo Cơ Đốc cần nhận khải tượng từ nơi Chúa. Khải tượng giúp chúng ta rõ ràng hơn trong cách hành động và không bị lệch hướng. Khải tượng giúp chúng ta tập trung vào sự hướng dẫn của Chúa.

2.     Thái Độ Và Tâm Tình Của Nê-hê-mi

Khi nghiên cứu thân thế Nê-hê-mi, chúng ta nhận thấy ông là người có địa vị cao trong xã hội. “Nê-hê-mi làm quan tửu chánh dưới thời vua Át-ta-xét-xe (465-424 TC, vua là con riêng của hoàng hậu Ê-xơ-tê với vua A-suê-ru). Với địa vị của Nê-hê-mi là người dâng rượu cho vua Ba Tư, ông có một chức quan danh giá, tương đương với chức vụ do các sĩ quan cao cấp của nhà vua nắm giữ. Ông nếm thử bất kỳ loại rượu nào được đem đến trước khi dâng lên vua.”[6]

Với địa vị này, có lẽ Nê-hê-mi là một người thân cận, được vua tin cậy. Glenn Johnson mô tả thêm: “Nê-hê-mi là người có uy quyền. Ông là dạng thư ký được bổ nhiệm, là bạn tâm tình và người sát cánh của hoàng đế.”[7] Chỉ trên phương diện này, có lẽ Nê-hê-mi đang có cuộc sống khá thoải mái, và đáng mơ ước cho nhiều người. Tuy nhiên ông sẵn sàng từ bỏ khi biết về tình hình “đổ nát của quê hương”. Đây cũng là thách thức cho người hầu việc Chúa. Chúng ta có sẵn sáng từ bỏ các giá trị vật chất khi nhân thấy các khía cạnh đổ nát trong Hội Thánh đang cần chúng ta khắc phục hay không? 

Nê-hê-mi để lại cho chúng ta tấm gương từ bỏ về cuộc sống dễ dãi để phục vụ Đức Chúa Trời. Amos D. Millardnhận định: “Sách Nê-hê-mi là tự truyện của ông, cho thấy ông đã hy sinh một cuộc sống thoải mái và xa hoa để giúp đỡ những người anh em túng thiếu của mình trong Giê-ru-sa-lem.”[8] Điều này dù không dễ, nhưng là thách thức cho mọi Cơ Đốc nhân có đời sống bước đi theo Chúa.

“Đương năm thứ hai mươi đời vua Ạt-ta-xét-xe, tháng Ni-san, rượu sẵn ở trước mặt người, tôi lấy rượu dâng cho vua; trước tôi không hề có bộ buồn rầu tại trước mặt người. 2 Vua nói với tôi rằng: Nhân sao ngươi mặt mày buồn, dầu mà ngươi không có bịnh? Điều đó chỉ là sự buồn rầu trong lòng mà thôi. Bấy giờ tôi lấy làm sợ hãi lắm, 3 bèn nói với vua rằng: Nguyện vua vạn tuế! Lẽ nào mặt tôi không buồn, khi cái thành, là nơi có mồ mả của tổ phụ tôi, bị phá hoang, và các cửa thành bị lửa thiêu đốt?(c) 4 Vua hỏi tôi rằng: Ngươi cầu xin cái gì? Tôi bèn cầu nguyện cùng Đức Chúa của các từng trời, 5 rồi tâu với vua rằng: Nếu vua thấy điều đó là tốt lành, nếu kẻ tôi tớ vua được ơn trước mặt vua, xin vua hãy sai tôi về Giu-đa, đến thành có mồ mả của tổ phụ tôi, để tôi xây cất thành ấy lại.”(Nê-hê-mi 2:1-5)

Với “mặt mày buồn rầu”, Nê-hê-mi đang trong tâm trạng không lấy làm vui vẻ khi nghĩ về cảnh trạng dân tộc mình. “Vẻ mặt buồn rầu” cũng cho thấy tấm lòng cưu mang của ông khi nghĩ về dân tộc Thánh. George Williams giải thích: “Các vị vua đông phương mỗi ngày đều hết sức sợ đầu độc, bất cứ nét bối rồi lo lắng nào ở nơi quan tửu chánh đều bị xem là việc đáng ngờ.”[9] Vì thế, với “mặt mày buồn rầu” có thể sẽ khiến Nê-hê-mi gặp phải những bất trắc không đáng có. Tuy nhiên, khi nghĩ đến cảnh trạng của dân tộc, lòng ông không thể vui lên được. Cũng vậy, các Mục sư được kêu gọi vào chức vụ, chúng ta có nhận thấy cảnh trạng của Hội Thánh, chúng ta có buồn rầu cho những điều đang diễn ra trong Hội Thánh. Chúng ta có khóc than, cữ tang, kiêng ăn, cầu nguyện cho Hội Thánh như Nê-hê-mi đã làm? “Whitcomb viết: “Không phần nào trong Cựu Ước cung cấp cho chúng ta động cơ và sự thôi thúc lòng sốt sáng tận tụy, đầy lòng quan tâm đến công việc Chúa lớn hơn sách Nê-hê-mi được. Tấm gương về lòng sốt sáng của Nê-hê-mi đối với chân lý của Lời Đức Chúa Trời – bất luận phải trả giá nào hay lãnh hậu quả nào, là tấm gường hết sức cần thiết trong giờ hiện nay.”[10]

Thái độ của Nê-hê-mi còn thể hiện rõ ngay cả khi việc xây dựng vách thành Giê-ru-sa-lem đã hoàn tất:

Khi vách thành đã xây xong, và tôi đã tra các cánh cửa, lập những người giữ cửa, kẻ ca hát, và người Lê-vi trong chức việc của họ, 2 thì tôi giao phó việc cai trị Giê-ru-sa-lem cho Ha-na-ni, em tôi, và cho Ha-na-nia, quan tể cung; vì là một người trung tín và kính sợ Đức Chúa Trời hơn nhiều kẻ khác. (Nê-hê-mi 7:1-2).

Nê-hê-mi không phải là người tham quyên cố vị, ông là người sẵn lòng chuyển giao khi đã đạt được mục đích, khải tượng mà Chúa giao phó. Đây cũng là bài học lãnh đạo cho Hội Thánh ngày nay. Chúng ta có sẵn lòng chuyển giao trách nhiệm cho những con người phù hợp khi mà trách nhiệm của chúng ta đã hoàn tất. Điều này cũng được thể hiện qua chức vụ sứ đồ Phao-lô. Ông lựa chọn những phần việc mà ông nhận thấy là mình làm tốt nhất như truyền giáo, mở Hội Thánh, môn đồ hóa.... Sau khi Hội Thánh vững lập, ông chuyển giao Hội Thánh lại cho các môn đồ để tiếp tục với vai trò lãnh đạo.

Nê-hê-mi để lại cho chúng ta một tấm gương của một người lãnh đạo mềm mại, hạ mình và đầu phục ý muốn của Đức Chúa Trời. Charles Swindoll đã viết: “Tôi nghĩ thật hết sức ý nghĩa khi quang cảnh cuối cùng trong sách Nê-hê-mi mô tả ông đang quỳ gối cầu xin Chúa ban ơn. Ông đã chiến đấu kiên cường vì lẽ phải, những đã giữ lòng mềm mại trước mặt Chúa. Một khuôn mẫu lãnh đạo oai hùng biết bao! Ông là một con người trung thực, đầy tin quyết và tận hiện.”[11] Với vai trò lãnh đạo dân sự Chúa, Nê-hê-mi hoàn toàn đầu phục dưới quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Ông nhận biết uy quyền và sự lãnh đạo của Thiên Chúa. Việc của ông là lắng nghe, chờ đợi, cầu nguyện và thực hiện sự chỉ dẫn của Chúa. Cũng vậy, các Mục sư cũng cần ở dưới sự tể trị của Thiên Chúa. Chúng ta cần lắng nghe, chờ đợi, cầu nguyện cho các nhu cầu của Hội Thánh để Chúa hướng dẫn, đồng hành, tể trị với chức vụ chúng ta.

3.     Cách Nê-hê-mi Thực Thi Công Cuộc Phục Hồi Và Vượt Qua Sự Chống Đối.

Đứng trước sự chống đối của kẻ thù, Nê-hê-mi thể hiện là một con người cứng rẵn, can đảm, và một đời sống cầu nguyện. Ông có đời sống đầu phục Chúa hoàn toàn, với lòng tin cậy, ông can đảm đứng lên chống lại kẻ thù. Vì thế khi nhận định vai trò lãnh đạo của Nê-hê-mi Amos D. Millard viết: “Người hầu việc Chúa không được tàn nhẫn, nhưng họ có thể cứng rắn và tích cực với sự can đảm thánh. Họ phải là những người cầu nguyện!” Ông nhận định thêm: “chỉ những người nam người nữ được Thánh Linh Đức Chúa Trời hướng dẫn và ban quyền năng, đồng thời dầm mình trong Lời Chúa, mới có thể trở nên công cụ giải cứu hữu hiệu trong và ngoài Hội Thánh.”[12] Kẻ thù chúng ta là Ma-quỷ, hắn rất quỷ quyệt và khôn ngoan. Nếu các Mục sư không đầu phục Chúa, không có sự cứng rắn và can đảm trong chức vụ, thì chúng ta khó lòng chúng ta thành công trong chức vụ.

Việc xây dựng lại vách thành, Nê-hê-mi đã thực hiện bằng việc khôi phục lại mối tương giao của dân sự với Đức Chúa Trời. Amos D. Millard đã viết: “Việc khôi phục Giu-đa trên đất của Giu-đa một cách thích hợp bắt đầu bằng sự xây dựng lại cơ sở thể hiện sự phục hồi mối tương giao với Đức Chúa Trời…cuộc chính trị cuối cùng của Y-sơ-ra-ên sẽ được tiếp nối bở sự thanh tẩy và phục hồi thuộc linh của dân Y-sơ-ra-ên (Ê-xê-chi-ên 36; Xa-cha-ri 12-14).”[13] Vì thế, lịch sử Hội Thánh đã chứng minh, không có cuộc phấn hưng nào lại không bắt đầu bằng việc khôi phục lại mối tương giao với Đức Chúa Trời. Là những người lãnh đạo Hội Thánh, chúng ta cần khơi lại những cái giếng thuộc linh đang bị vùi chôn. Cũng như việc Y-sác khôi phục lại những cái giếng Áp-ra-ham đã đào khi bị dân Phi-li-tin vùi lấp. Chúng ta có trách nhiệm kêu gọi dân sự của Chúa trở lại mối tương giao với Đức Chúa Trời.

Công cuộc xây dựng lại vách thành Giê-ru-sa-lem của Nê-hê-mi đã thành công mỹ mãn. Amos D. Millard  viết: “Mặc dù mọi sự phản đối tàn ác của người Sa-ma-ri, các bức tường của Giê-ru-sa-lem vẫn được xây dựng lại trong năm mươi hai ngày (câu 15). Đây là minh chứng hùng hồn cho đức tin , sự tận tụy và sự liên kết của Nê-hê-mi.”[14] Có lẽ dân Y-sơ-ra-ên đã chùn bước trước sự tấn công của kẻ thù. Khối lượng xây dựng lại vách thành Giê-ru-sa-lem là quá lớn, vượt ra khỏi tầm khả năng của họ. Vì vậy, cho dù họ đã từ nơi phu tù trở về trên tám mươi năm rồi, nhưng bức tường thành Giê-ru-salem vẫn đổ nát. Việc xây dựng lại vách thành Giê-ru-sa-lem trong năm mươi hai ngày đúng là một phép lạ. Dennett viết: “Được ở trong quyền năng và Ngài sẽ nâng chúng ta lên – mà không một điều nào khác có thể nâng được – lên trên mọi hoàn cảnh của chúng ta, cho chúng ta lòng can đảm để cứ tấn tới, bất luận bao hiểm nghèo vẫn đang chờ trên đường.”[15] Vì thế, điều dân Y-sơ-ra-ên cần là một người lãnh đạo có khải tượng và đầu phục Đức Chúa Trời. Cũng vậy, với tình trạng Hội Thánh ngày nay, chúng ta rất cần những Mục sư có khải tượng và đầu phục Chúa.

Đứng trước sự thách thức, tấn công của kẻ thù, điều Nê-hê-mi làm là cầu nguyện. Chắc chúng ta còn nhớ sự kiện dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng thành Giê-ri-cô, việc của họ là làm theo lời Chúa là đi vòng quanh thành Giê-ri-cô và họ đã chiến thắng. (Giô-suê 6:1-5). Ghê-đê-ôn đã chiến thắng đạo quân đông đúc Ma-đi-an chỉ với một toán quân nhỏ 300 người (Các-quan-xét 7). Chúa có thể dùng những điều nhỏ bé để làm lên những việc lớn lao. Đôi khi chúng ta không nhận thấy ngay kết quả của sự cầu nguyện, tuy nhiên Đức Chúa Trời dùng điều đó để đưa chúng ta đến với sự chiến thắng. Vì vậy, các Mục sư cần đầu phục Chúa bằng đời sống cầu nguyện, chắc chắn Chúa sẽ mang đến sự giải cứu cho dân sự Ngài. Mathew Henry đã bình luận: “Giữa lời than phiền về hiểm ác của họ, để nhằm cố làm Nê-hê-mi hoảng sợ - bởi đó làm suy yếu đôi tay của ông, ông đã dâng lòng mình lên Thiên đàng trong lời cầu nguyện.”[16]

Đôi khi chúng ta sợ hãi khi phải đối diện với kẻ thù, và chúng ta không nhận thấy ích lợi khi trải qua khó khăn. Nhiều khi những khó khăn đến làm chúng ta sợ hãi và oán trách Chúa. Ông Alan Redpath đã nhận định: “bạn sẽ khám phá ra rằng sẽ không có thắng trận nếu không có trận chiến; không có cơ hội nào mà không có sự chống đối; không có sự đắc thắng nào mà không có sự đề cao cảnh giác.”[17] Đúng vậy, mọi khó khăn đến làm cho chúng ta mạnh mẽ, và trưởng thành hơn. Những khó khăn là những chiến trường thuộc linh để Chúa huấn luyện chúng ta trở thành nhà lãnh đạo cho Ngài.

4.     Bí Quyết Mang Đến Sự Phục Hưng Trong Thời Nê-hê-mi

Amos D. Millard nhận định: “Trước khi chúng ta có một trong những viễn cảnh phục hưng vĩ đại của Kính Thánh… Chúng ta thấy Lời Đức Chúa Trời luôn là trung tâm của các cuộc phục hưng trong lịch sử của Y-sơ-ra-ên”[18]Điều này thực sự đúng cho trường hợp của Nê-hê-mi:

Bấy giờ, dân sự đều nhóm hiệp như thể một người, tại phố ở trước cửa Nước. Chúng nói với E-xơ-ra là thầy thông giáo, xin người đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy cho Y-sơ-ra-ên. 2 Ngày mồng một tháng bảy, thầy tế lễ E-xơ-ra đem luật pháp đến trước mặt hội chúng, người nam và nữ, cùng những người có thông sáng nghe hiểu được. (Nê-hê-mi 8:1-2)

Đồng quan điểm đó Dr. Donald Campbell nhấn mạnh tầm quan trọng chức vụ giải thích Kinh Thánh: “Ê-xơ-ra và những người trợ giúp ông là những người đầu tiên trong hàng ngũ rất dài của những nhà giảng giải kinh đã giải nghĩa Kinh Thánh. Phương pháp giảng luận này  được Đức Chúa Trời chúc phước trải bao thế kỷ và vẫn tiếp tục là công cụ hữu hiệu đem Cơ Đốc nhân đến chỗ trưởng thành tâm linh.”

Còn G. Campbell Morgan đưa ra bình luận: “Là những sứ giả ra ra ý muốn của Đức Chúa Trời, các thầy ký lục (văn sĩ) đã thế chỗ của các tiên tri, với một điểm khác biệt này: thay vì tiếp nhận các khải thị mới, họ giải nghĩa và áp dụng các khải thị cũ. Về ban thứ mới này Ê-xơ-ra lập tức là người thành lập và là hình bóng điển hình…Ông là chuyên gia giải luận và áp dụng Luật Pháp.”[19]

Vì vậy, điểm cốt lõi cho sự phục hưng là khi Lời Đức Chúa Trời được quan tâm đúng mức. Lòng dân sự của Chúa có được nóng cháy, phục hưng hay không sẽ tùy thuộc vào việc họ có hiểu rõ Lời Đức Chúa Trời. Chắc chúng ta còn nhớ câu chuyện hai môn đồ trở về làng Em-ma-út, họ đã nóng cháy khi được nghe Chúa Jesus giải thích Kinh Thánh (Lu-ca 24 13-32; Mác 16:12-13). Vì vậy, trách nhiệm của các Mục sư là kéo dân sự của Chúa gần gũi vỡi Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta nên tránh đi những lời giảng dạy sáo rỗng của loài người và nên tập trung vào việc giải thích Lời Chúa. Đây là nguyên tắc cơ bản mà Ê-xơ-ra và các thầy tế lễ dòng Lê-vi đã làm để đem đến sự phục hưng trong tấm lòng dân Y-sơ-ra-ên. 

Kết luận: Học lịch sử giúp cho chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn về cách Đức Chúa Trời vận hành trong quá khứ, cũng như cách Ngài hành động trong tương lai. Như Millard J. Erickson trình bày quan điểm Kinh Thánh về Đức Chúa Trời, ông cho rằng: “Đức Chúa Trời là một thân vị hữu ngã tương giao với con người như giữa người và người vậy. Ngài là một người Cha nhân lành, yêu thương và thông cảm. Ngài là Đấng mà chúng ta có thể đến gần. Chúng ta có thể thưa chuyện với Ngài và Ngài có thể nói chuyện với chúng ta.”[20] Đây cũng là cách để thêm lên cho chúng ta đức tin vào Thiên Chúa để vững bước về phía trước. Cuộc tái thiết vách thành Giê-ru-sa-lem của Nê-hê-mi là một trong các bằng chứng về quyền tể trị Đức Chúa Trời trên toàn cõi nhân loại. Ngài có thẩm quyền để nâng  hạ một quốc gia, và Ngài cũng có thẩm quyền để đưa dân Chúa trở về tái thiết lại vách thành Giê-ru-sa-lem. Trong việc tái thiết lại vách thành Giê-ru-sa-lem mang lại cho chúng ta những bài học sâu sắc về cách Đức Chúa Trời lựa chọn người lãnh đạo phù hợp cho dân Chúa. Chúa dùng Ê-xơ-ra, người có sự sốt sáng trong công cuộc khôi phục lại sự thờ phượng, làm trong sạch mối quan hệ hôn nhân cho dân tộc Thánh. Thì Nê-hê-mi được Chúa sử dụng như là một lãnh đạo có tầm nhìn, có khải tượng, có sự thái nghén cưu mang về việc xây dựng lại vách thành đang đổ vỡ. William Macdonald có viết: “Nê-hê-mi là quyển sách cần đọc, nghiên cứu dạy và giảng. Các phẩm chất lãnh đạo cần có để thực hiện một công việc gần như không thể thực hiện nổi đã được nêu gương tuyệt vời ở vị lãnh tụ Hi-bá-lai vào thế kỷ thứ năm Trước Công Nguyên này.”[21] Ở Nê-hê-mi chúng ta học được, ông là người lãnh đạo nhạy bén, ông biết mình nên làm gì? Làm như thế nào? Và ông luôn có kế hoạch kỹ càng cho những việc sẽ thực hiện. Vì vậy, dù việc xây dựng lại vách thành Giê-ru-sa-lem dường như là không tưởng vì đang đứng trước sự tấn công của kẻ thù đã được diễn ra một cách mau chóng, và thuận lợi.

Nguyễn Hưng

THƯ MỤC THAM KHẢO

Johnson, Glenn. Lãnh đạo Đem Lại Gây Dựng. Published 1996 & Vietnamese Oct, 2005. byAction International Ministries.

Millard, Amos D. Các Sách Lịch Sử Cựu Ước. Sách hướng dẫn nghiên cứu (ấn bản thứ tư). Global University: 1211 South Glenstone Avenue Springfied, Missouri 65804 USA – Dựa trên sách giáo khoa Các Sách Lịch Sử (ấn bản thứ II) bở L. Thomas Holdcroft.

Erickson, Millard J. Thần Học Cơ Đốc Giáo Tập I. (TP Hồ Chí Minh: Ấn bản lần thứ 2 (2001), NXB Tôn Giáo, In ấn phát hành 2023).

Whitcomb, John C. “Nehemiah”. The Wycliffe Bible Commentary.

Macdonald, William. Kinh Thánh Chú Giải Cựu Ước. (Dịch sang tiếng việt năm 2007-2008, In ấn tháng 8 năm 2008). 

Henry, Matthew. “Nehemiah”. trong Matthew Henry’s Commentary on the Whole Bible, II:1087.

Swindoll, Charles R. Hand Me Another Brick.

Dennett, Edward. Exposition of the Book of Ezra: Restoration from Babylon. Oak Park, IL: Bible Truth Publishers, 1956.

Morgan, G. Campbell. Searchlights from the Word.

Williams, George. The Student’s Commentary on the Holy Scriptures.


[1] Glenn Johnson, Lãnh đạo Đem Lại Gây Dựng, Published 1996 & Vietnamese Oct, 2005, byAction International Ministries, P.9

[2] Amos D. Millard, Các Sách Lịch Sử Cựu Ước, Sách hướng dẫn nghiên cứu (ấn bản thứ tư), Global University: 1211 South Glenstone Avenue Springfied, Missouri 65804 USA – Dựa trên sách giáo khoa Các Sách Lịch Sử (ấn bản thứ II) bở L. Thomas Holdcroft, P.395

[3] Glenn Johnson, Op cit, P.21

[4] Glenn Johnson, Op cit, P.16

[5] Amos D. Millard, Op cit, P.409

[6] Amos D. Millard, Op cit, P.399-400

[7][7] Glenn Johnson, Op cit, P.20

[8] Amos D. Millard, Op cit, P.397

[9] George Williams, The Student’s Commentary on the Holy Scriptures, P.264.

[10] John C. Whitcomb, “Nehemiah”, The Wycliffe Bible Commentary, P.435

[11] Charles R. Swindoll, Hand Me Another Brick, P.205.

[12] Amos D. Millard, Op cit, P.409

[13] Amos D. Millard, Op cit, P.396

[14] Amos D. Millard, Op cit, P.403

[15] Edward Dennett, Exposition of the Book of Ezra: Restoration from Babylon, Oak Park, IL: Bible Truth Publishers, 1956, P.55,56

[16] Matthew Henry, “Nehemiah”, trong Matthew Henry’s Commentary on the Whole Bible, II:1087.

[17] Glenn Johnson, Opcit, P.10

[18] Amos D. Millard, Op cit, P.404

[19] G. Campbell Morgan, Searchlights from the Word, P.131

[20] Millard J. Erickson, Thần Học Cơ Đốc Giáo Tập I, (TP Hồ Chí Minh: Ấn bản lần thứ 2 (2001), NXB Tôn Giáo, In ấn phát hành 2023)P.299

[21] William Macdonald, Kinh Thánh Chú Giải Cựu Ước, (Dịch sang tiếng việt năm 2007-2008, In ấn tháng 8, 2008). P.407

***Lời xin phép: Bài viết có sử dụng hình ảnh chưa được phép, nếu tác giả có thấy, tôi có lời xin phép được tái sử dụng, nguyện Chúa ban phước trên quý vị - Chân thành cảm ơn!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét