Tìm Hiểu Về Phúc Âm Mác

I. Trước giả Phúc Âm Mác?

Sách Mác là một trong ba sách Tin Lành cộng quan, kể về cuộc đời và công vụ của Chúa Jesus trên đất. Sách được viết bởi Mác, một trong những môn đệ của Chúa Jesus và là người đồng hành với Sứ Đồ Phi-e-rơ trong các hành trình truyền giáo. Ông được biết đến là con thuộc linh của Phi-e-rơ (I Phi-e-rơ 5:13), và các giáo phụ đồng ý rằng ông đã nhận dữ liệu từ Sứ Đồ Phi-e-rơ để viết lại. Ngoài ra, Mác được biết đến là có mối quan hệ họ hàng với sứ đồ Ba-na-ba (Cô-lô-se 4:10), mẹ của ông là Ma-ry.

Tìm Hiểu Về Phúc Âm Mác

Mác đã có cơ hội tham gia vào chuyến hành trình truyền giáo đầu tiên của sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba. Tuy nhiên, ông đã rời bỏ họ trên đường đi (Công vụ 12:25; 13:13). Sự kiện này cho thấy một giai đoạn thử thách và thất bại trong cuộc đời ông. Dẫn tới sự tranh cãi và chia rẽ giữa Phao-lô và Ba-na-ba. Nhưng sau này, Phao-lô và Mác đã hòa giải, và ông đã ở Rô-ma với Phao-lô, trong thời gian này, Mác đã lấy lại được sự tin tưởng của Sứ Đồ Phao-lô (Cô-lô-se 4:10). Vào cuối đời, Sứ Đồ Phao-lô đã nói tới Mác như là người có ích cho ông về sự hầu việc (II Ti-mô-thê 4:11). Mác cũng được Sứ Đồ Phi-e-rơ cử làm giám mục đầu tiên ở tại thành Alexandria ở Ai-cập. Ông tử nạn tại đó, và tro cốt ông được đưa trở lại Venice, nơi chúng được lưu giữ trong Hội Thánh San Marco.”[1]

Cuộc đời của Mác là một minh chứng cho sự phục hồi và tha thứ. “Ở giai đoạn đầu đời Mác phải chịu quá nhiều áp lực. Hoạt động cùng chiến tuyến với Phao-lô và Ba-na-ba là quá sức đối với ông.[2] Dù ban đầu gặp khó khăn và thất bại, ông đã kiên trì và cuối cùng lấy lại được sự tin tưởng và tôn trọng từ những người đồng hành. Ông trở thành một trong bốn trước giá Phúc Âm; và ví thế trở thành một trong những người được biết đến nhiều nhất trên thế giới. 

Qua những kinh nghiệm này, Mác đã để lại cho chúng ta một bài học quý giá về sự kiên nhẫn, lòng trung thành, và tầm quan trọng của việc hòa giải và phục vụ. Trong khía cạnh lãnh đạo, cũng cho chúng ta bài học về sự cẩn trọng khi giao phó quá nhiều trọng trách cùng một lúc cho một nhân sự trẻ, vì sẽ gây áp lực quá lớn so với sức chịu đựng của họ.[3]

II. Mục đích Phúc Âm Mác

Phúc Âm Mác được viết chủ yếu cho người La Mã, những người nổi tiếng với tính cách hành động quyết đoán và mạnh mẽ. Vì thế, sách Mác nhấn mạnh vào các hành động của Chúa Jesus hơn là những lời dạy dỗ và bài giảng của Ngài. [4] Chủ đề chính của Phúc Âm Mác là cuộc đời năng động của Chúa Jesus, cho thấy Ngài luôn hành động với mục đích rõ ràng và nhanh chóng để hoàn thành nhiệm vụ mà Cha Ngài giao phó. [5]

Mục đích của Phúc Âm Mác là truyền tải Tin Lành của Chúa Jesus đến các tín hữu dân ngoại, đặc biệt là cộng đồng tín hữu La Mã vào khoảng năm 65-70 sau Chúa. Phúc Âm này giúp họ hiểu rõ hơn về cuộc đời, công tác và thông điệp của Chúa Jesus. Đồng thời, nó mang lại niềm tin và sự cổ vũ cho những tín hữu đang đối diện với những thử thách và nguy hiểm về đức tin của mình.

Với phong cách viết chú trọng vào hành động, Phúc Âm Mác làm nổi bật những việc làm mạnh mẽ và quyết đoán của Chúa Jesus, từ đó nhấn mạnh sự khẩn trương và quyết tâm trong sứ mệnh của Ngài. Điều này giúp người đọc cảm nhận rõ ràng về sức mạnh và lòng quyết tâm của Chúa Jesus trong việc hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Cha Ngài đã giao phó. Qua đó, tín hữu được khích lệ để giữ vững niềm tin và kiên trì vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.

III. Phúc Âm Mác bày tỏ ít nhất 4 điều về Chúa Giê-xu

Qua Phúc Âm Mác, chúng ta có thể nhận biết bốn điều quan trọng về Chúa Jesus:

1.     Chúa Jesus là Đấng Cai Trị Đầy Quyền Năng:

Trong sách Tin Lành Mác, Chúa Jesus được mô tả là Đấng Cai Trị Đầy Quyền Năng thông qua những hành động và phép lạ phi thường. Ngài có quyền năng tuyệt đối trên bệnh tật, sự chết, thiên nhiên và ma quỷ. Những câu chuyện này không chỉ minh chứng cho quyền năng của Ngài mà còn củng cố niềm tin của các tín hữu vào sự cai trị tối thượng của Chúa Jesus.

(1)  Chúa Jesus có quyền tha tội

Câu chuyện Chúa Jesus chữa lành người bại liệt (Mác 2:1-12): Khi người bại liệt được bốn người bạn thả từ mái nhà xuống trước mặt Chúa Jesus. Ngài thấy đức tin họ nên liền phán: "Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha." Chính điều này mà Chúa Jesus bị các thầy thông giáo cho rằng, “Ngài phạm thượng”. Vì “ngoài Đức Chúa Trời, còn ai tha tội được chăng?” Điều này chứng minh rằng, Chúa Jesus cũng là Đức Chúa Trời, Ngài có quyền tể trị tối thượng trong việc tha thứ tội lỗi cho tội nhân. 

(2)  Chúa Jesus quyền năng trên bệnh tật

Chúa Jesus đã thực hiện nhiều phép lạ chữa lành bệnh tật, đây cũng là minh chứng rõ ràng về quyền năng của Ngài. Trong Mác 5:25-34, câu chuyện về người phụ nữ bị băng huyết suốt 12 năm là ví dụ điển hình. Bà đã tiêu hết tài sản để chữa trị nhưng không khỏi. Bà được chữa lành ngay lập tức khi chạm vào Đức Chúa Jesus.[6] Với chỉ một cái chạm “bằng đức tin” bà đã kinh nghiệm sự chữa lành hoàn toàn. Điều này không chỉ thể hiện sự thương xót của Chúa mà còn khẳng định Ngài có quyền năng tuyệt đối trên mọi loại bệnh tật.

(3)  Chúa Jesus quyền năng trên sự chết

Một trong những phép lạ nổi bật nhất của Chúa Jesus được ghi lại trong Mác là việc Ngài làm cho con gái của Giai-ru sống lại (Mác 5:21-43). Khi đến nhà Giai-ru, Ngài nói với đứa bé đã chết: "Ta-li-tha cu-mi," nghĩa là "Hỡi bé gái, ta bảo con, hãy chỗi dậy!" Lập tức, đứa bé sống lại và bắt đầu đi lại. Sự kiện cho thấy quyền năng vượt trội của Chúa Jesus vượt qua cả sự chết. Điều này giúp tăng thêm niềm tin và lòng tôn kính cho những người chứng kiến. Vì gọi mội người sống lại từ cõi chết là một phép lạ lớn hơn sự chữa lành bệnh tật.[7]

(4)  Quyền năng trên thiên nhiên

Chúa Jesus cũng thể hiện quyền năng của mình trên các hiện tượng thiên nhiên. Trong Mác 4:35-41, khi Ngài và các môn đồ đang trên thuyền giữa biển, một cơn bão lớn ập đến. Các môn đồ hoảng sợ và cầu cứu Chúa Jesus. Ngài thức dậy, quở trách gió và nói với biển: "Im đi! Lặng đi!" Lập tức, gió ngừng và biển yên lặng như tờ. Ngài chỉ đơn giản là đứng lên và ra lệnh cho cơn bão lặng đi. Các môn đồ kinh ngạc và nói với nhau: "Người này là ai mà cả gió và biển cũng vâng lệnh Người?" Quyền năng này cho thấy Chúa Jesus có quyền kiểm soát trong mọi tình huống. Ngài có quyền tuyệt đối trên các hiện tượng thiên nhiên.

(5)  Quyền năng trong việc trừ quỷ

Chúa Jesus cũng có quyền năng trừ quỷ (Mác 5:1-20), câu chuyện về người bị quỷ ám ở Giê-ra-sê là một ví dụ rõ ràng. Chúa Jesus đã trừ một đạo quân quỷ ra khỏi người đàn ông này, cho phép chúng nhập vào bầy heo gần đó. Tình trạng của người bị quỷ ám rất tồi tệ: “Người thường ở nơi mồ mả, dẫu dùng xiềng sắt cũng chẳng ai cột trói được nữa; 4 vì nhiều lần người bị cùm chân hoặc bị xiềng, rồi bẻ xiềng tháo cùm, không ai có sức trị được. 5 Người cứ ở nơi mồ mả và trên núi, ngày đêm kêu la và lấy đá đánh bầm mình.” Khi nghiên cứu trong nguyên gốc tiếng Hy-lạp: “từ quân đội có nghĩa là “một trung đoàn”. Vào thời đó, một trung đoàn La-mã có khoảng 4.500 đến 6000 binh sĩ. Điều này cho thấy người này đã bị rất nhiều quỷ ám”.[8] Nếu Chúa Jesus không phải là Đấng cai trị đầy quyền năng, thì không ai có thể đuổi thứ quỷ đó ra được. Người đàn ông bị quỷ ám đó được giải thoát hoàn toàn và trở nên tươi tỉnh đã khiến dân làng quanh đó kinh sợ về quyền năng của Chúa Jesus.

2.     Chúa Jesus là Đấng Phục Vụ Khiêm Nhường:

Chúa Jesus không chỉ là một vị lãnh đạo quyền năng mà còn là một người phục vụ khiêm nhường. Ngài đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (Mác 10:45), và Ngài cũng dạy các môn đồ về tinh thần phục vụ.

(1)  Chúa Jesus dạy về sự phục vụ và đây cũng là cốt lõi cho sứ mệnh của Ngài trên đất.

Mác 10:45: " Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người." Câu này dường như gồm tóm lại tất cả sứ mệnh của Chúa Jesus với tinh thần phục vụ và sẵn lòng hy sinh vì người khác. Ngài không đến thế gian để được người ta tôn thờ và phục vụ, nhưng để phục vụ và phó chính mình làm của lễ để cứu rỗi nhân loại. Ngài dạy các môn đồ về sự phục vụ: “ai muốn làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người”. Lời dạy của Chúa Jesus hoàn toàn khác biệt với sự dạy dỗ đương thời. Ngài dạy các môn đồ của Ngài phải học cách trở nên người lãnh đạo trong tinh thần phục vụ. “Trong vương quốc Đức Chúa Trời, sự vĩ đại chỉ thực sự đạt được bằng cách trở thành người phục vụ cho mọi người.”[9]

(2)  Chúa Jesus để lại tấm gương phục vụ bằng việc rửa chân cho các môn đồ.

Mặc dù câu chuyện Chúa Jesus rửa chân cho các môn đồ không được đề cập trực tiếp trong sách Mác. Nhưng hành động này được mô tả chi tiết trong các sách Phúc Âm khác như Giăng (Giăng 13:1-17). Hành động rửa chân là biểu tượng mạnh mẽ của sự khiêm nhường và phục vụ. Chúa Jesus người thầy, người lãnh đạo, đã tự mình thực hiện công việc của một người đầy tớ để dạy các môn đồ về tình yêu thương, đức tính khiêm nhường trong sự phục vụ.

(3)  Chúa Jesus phục vụ bằng sự chữa lành và chăm sóc những người bị bỏ rơi và đau khổ.

Mác 1:40-45: Chúa Jesus chữa lành người phong cùi, một người bị xã hội thời đó coi là ô uế và bị bỏ rơi. “Đây là một hành động phi thường, và việc đó trái với quy định của luật pháp, vì không ai được chạm vào người phong cùi”.[10]Ngài có thể phán một lời người phong sẽ được lành. Tuy nhiên, hành động chữa lành bằng việc chạm vào thân thể của họ, cho thấy lòng thương xót và sự chấp nhận đối với người phong.

Không những thế, trong Mác 2:15-17 Chúa Jesus đến nhà Lê-vi, Ngài ngồi ăn uống cùng những người thu thuế và kẻ có tội lỗi, khiến các thầy thông giáo và Pha-ri-si chỉ trích. Nhưng Ngài đáp lại họ: "Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh; ta chẳng phải đến gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội.”

3.     Chúa Jesus là Con Người Đầy Lòng Thương Xót:

Mác miêu tả Chúa Jesus như một người có lòng thương xót sâu sắc. Ngài luôn quan tâm với tình yêu vô điều kiện, đặc biệt là những con người bị xã hội ruồng bỏ và sống trong tình trạng khốn khổ.

(1)  Chùa Jesus thể hiện lòng thương xót của Ngài trong việc chữa lành người phong cùi (Mác 1:40-45)

" Có một người phung đến cùng Ngài, quì xuống cầu xin rằng: Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được. 41 Đức Chúa Jêsus động lòng thương xót, giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng, hãy sạch đi." Người phung ngay lập tức được chữa lành. Hành động này thể hiện lòng thương xót vĩ đại của Chúa Jesus qua việc sẵn sàng rờ chạm vào người bị xã hội ruồng bỏ và bị cho là ô uế. Ngay cả chúng ta là môn đồ của Chúa Jesus, chưa hẳn chúng ta đã sẵn sàng làm điều đó. Tuy nhiên, cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta mang lấy tâm tình của Chúa Jesus để giúp đỡ những con người cùng khốn đang vất vưởng tồn tại trên thế giới này. 

(2)  Chúa Jesus chữa lành người bại liệt (Mác 2:1-12)

Hành động của Chúa Jesus khi thấy người bại được bốn bạn của mình dòng từ mái nhà xuống. Ngài “động lòng thương xót”. Có lẽ trong tất cả các câu chuyện chữa lành của Chúa Jesus, Ngài luôn thể hiện sự thương xót đối với người bệnh. Sau đó, Ngài bảo người bại liệt đứng dậy, vác giường mà đi. Hành động của Ngài không chỉ chữa lành về thể xác mà còn mang lại sự tha thứ và hy vọng cho người bại.

(3)  Chúa Jesus hữa lành người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa (Mác 5:1-20)

Chúa Jesus gặp một người bị quỷ ám, sống trong mộ địa và bị xã hội bỏ rơi. Ngài trừ quỷ ra khỏi người này và cho phép chúng nhập vào bầy heo gần đó. Sau đó, người đàn ông trở nên tỉnh táo và bình thường trở lại. Điều này thể hiện lòng thương xót của Chúa Jesus đối với những người bị áp bức bởi ma quỷ.

(4)  Chúa Jesus chữa lành con gái của Giaru và người phụ nữ bị băng huyết (Mác 5:21-43)

Trên đường đi chữa lành con gái của Giai-ru, Chúa Jesus chữa lành một người phụ nữ bị băng huyết suốt 12 năm. Bà chỉ chạm vào áo choàng của Ngài và lập tức được chữa lành. Sau đó, Ngài đến nhà Giai-ru và làm cho con gái của ông sống lại. Những hành động này thể hiện sự quan tâm và lòng thương xót của Ngài đối với cả những người bị bệnh và những người đau khổ vì mất người thân.

(5)  Chúa Jesus chữa lành người mù ở Giê-ri-cô (Mác 10:46-52)

Khi Chúa Jesus đi qua Giê-ri-cô, một người mù tên là Ba-ti-mê kêu xin Ngài thương xót. Chúa Jesus dừng lại, gọi ông đến và hỏi: "Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?" Người mù đáp: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy." Chúa Jesus động lòng thương xót và chữa lành cho ông, giúp ông có thể nhìn thấy.

(6)  Chúa Jesus dạy về lòng thương xót và tình yêu thương (Mác 12:28-34)

Khi được hỏi điều răn nào là quan trọng nhất, Chúa Jesus đáp: "Hãy yêu mến Chúa, Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Điều răn thứ hai là: Hãy yêu kẻ lân cận như mình." Qua việc nhấn mạnh tình yêu thương và lòng thương xót, Chúa Jesus dạy rằng việc yêu thương và giúp đỡ người khác là nền tảng của đức tin.

4.     Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế và Con Đức Chúa Trời.

Mác khẳng định rõ ràng rằng Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế và Con Đức Chúa Trời. Từ những lời tuyên bố của Ngài đến sự công nhận của các nhân chứng, tất cả đều khẳng định rằng Chúa Jesus là Đấng được các tiên tri tiên báo từ trước. Những điều này giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về bản chất, sứ mệnh và lòng thương xót của Chúa Jesus, cũng như vai trò của Ngài trong kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

(1)  Lời tuyên bố của Chúa Jesus về chính Ngài.

Mác 14:61-62: Trong phiên tòa trước Thầy Tế lễ Thượng phẩm, khi Thầy Cả Thưởng Phẩm hỏi: “Ấy chính ngươi là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời đáng ngợi khen phải không? 62 Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta chính phải đó; các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự giữa đám mây trên trời mà đến.”Câu trả lời này khẳng định rõ ràng rằng Chúa Jesus tự nhận mình là Đấng Cứu Thế và là Con Đức Chúa Trời.

(2)  Lời tuyên bố của các nhân chứng.

Mác 1:1: Ngay từ câu mở đầu của sách, tác giả Mác viết: " Đầu Tin lành của Đức Chúa Jêsus Christ, là Con Đức Chúa Trời.” Đây là lời khẳng định rõ ràng về danh tính của Chúa Jesus ngay từ đầu của sách.

Mác 8:29: Khi Chúa Jesus hỏi các môn đồ: "Nhưng các ngươi thì nói ta là ai? Phi-e-rơ thưa rằng: Thầy là Đấng Christ." Điều này thể hiện sự công nhận của các môn đồ khi cho rằng Chúa Jesus là Đấng Cứu Thế.

(3)  Lời tuyên bố từ các thế lực siêu nhiên

Mác 1:23-24: Khi Chúa Jesus trừ quỷ, các quỷ kêu lên: "Hỡi Jêsus, người Na-xa-rét, chúng tôi với Ngài có sự gì chăng? Ngài đến để diệt chúng tôi sao? Tôi biết Ngài là ai: Là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời." Lời tuyên bố này từ các quỷ khẳng định rằng ngay cả các thế lực siêu nhiên cũng nhận biết Chúa Jesus là Đấng Thánh của Đức Chúa Trời.

(4)  Lời tuyên bố của Đức Chúa Cha

Mác 1:11: Khi Chúa Jesus chịu Giăng Báp-tít làm phép báp têm, có tiếng từ trời phán: "Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường." Đây là lời xác nhận từ Đức Chúa Cha rằng Chúa Jesus là Con của Ngài.

Mác 9:7: Trong sự kiện Biến Hình, có tiếng từ trong đám mây phán: "Lại có một đám mây bao phủ lấy; và từ đám mây có tiếng phán rằng: Người nầy là Con rất yêu dấu của ta, hãy vâng nghe người." Sự kiện này không chỉ xác nhận Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời mà còn khẳng định quyền uy và vai trò của Ngài.

(5)  Lời tuyên bố của viên đội trưởng La Mã

Mác 15:39: Khi Chúa Jesus chết trên thập tự giá, viên đội trưởng La Mã đứng đối diện Ngài và thốt lên: "Thật người này là Con Đức Chúa Trời!" Lời tuyên bố này đến từ một người ngoại đạo, sau khi chứng kiến cái chết của Chúa Jesus. Điều này càng củng cố cho sự nhận biết về danh tính của Ngài.

Nguyễn Hưng

[1] Dr. Brian J. Bailey, Phúc Âm Mác, Hiệu đính tháng bảy 2006 (Ấn bản 1.1), Tái bản tháng một 2015 tại Hoa Kỳ, (Tài liệu được cung cấp bởi Zion Christian Publishers A Zion Fellowship ® Ministry: P.O. Box 70 Waverly, New York 14892), P15-18.

[2] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P17.

[3] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P18.

[4] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P15.

[5] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P213.

[6] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P73.

[7] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P75.

[8] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P69.

[9] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P141.

[10] Dr. Brian J. Bailey, Op cit, P37.

***Lời xin phép: Bài viết có sử dụng hình ảnh chưa được phép, nếu tác giả có thấy, tôi có lời xin phép được tái sử dụng, nguyện Chúa ban phước trên quý vị - Chân thành cảm ơn!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét