ĐỔI MỚI GIÁO DỤC: “Đột Phá Cách Dạy, Chứ Không Phải Nhồi Nhét Tri Thức”

Khi nói về "giáo dục" ở Việt Nam, không thể không nhắc đến đặc điểm đặc trưng: trẻ con và học sinh bậc thấp thường không được khuyến khích thể hiện ý kiến hay tư duy phản biện.

ĐỔI MỚI GIÁO DỤC: “Đột Phá Cách Dạy, Chứ Không Phải Nhồi Nhét Tri Thức”

Thật vậy, "giáo dục tại Việt Nam không trao cho người ta cái đặc quyền để phản biện."

Tôi nhớ khi còn nhỏ, mỗi khi có ý kiến gì thì bị cho là "trẻ con biết gì mà nói", hoặc bị chửi "ngu", "đần". Vì vậy, sau này, tôi không bao giờ dùng những từ này với các con tôi, và tôi thích nghe chúng thể hiện quan điểm.

Khi đi học, học sinh chỉ được nghe và nhắc lại kiến thức giáo viên dạy, như cái máy, chứ không biết tại sao lại như thế. Vì thế, hồi đó tôi có khả năng học thuộc rất tốt. Tôi nhớ trong một bài thi môn Hóa học cấp 2, giáo viên đã giải sẵn và tôi học thuộc lòng, làm bài rất nhanh. Nếu hỏi có hiểu gì không, chắc chắn là không.

Hồi đó, tôi luôn thắc mắc tại sao. Tại sao cái này kết hợp với cái kia ra cái đó? Tại sao 1+1=2 mà không bằng cái gì khác? Tại sao phải đếm 1, 2, 3… 8, 9, 10…? Nhưng do không được giải thích, cũng chẳng biết cách để hỏi hay hỏi ai, nên tôi đã không học. Tôi thường nghe câu nói của người lớn, "lớn lên cái gì rồi cũng sẽ biết". Vì thế, dù cắp sách tới trường, nhưng tôi không học, đúng hơn là học dốt. Nếu bạn bè xưa có biết, họ sẽ nhớ tôi là người cắp sách tới trường rất chăm, không nghỉ buổi nào, chép bài không xót một chữ, cũng không mê chơi điện tử như mấy đứa trẻ khác. Nhưng tôi học mà "không biết gì".

Có một cô giáo dạy Địa lý, mẹ của người yêu cũ anh trai tôi, từng nói với anh khi anh ấy hỏi, "Năm nay thằng Hưng thi lại 7-8 môn. Vậy là nó học khá hơn năm trước rồi". Đi học với tôi là nhọc nhằn như vậy đấy, vì năm nào cũng phải thi lại mới được lên lớp.

Tôi biết mấy bạn học sinh "tiên tiến" này nọ, thực ra cũng "dốt" như tôi. Cái hơn là các bạn ấy quay cóp bài giỏi hơn tôi.

Tôi nhớ hồi học cấp 2, có giáo viên môn Toán từng chế giễu tôi rằng "tôi là người dự giờ", rằng lớn lên biết đâu sẽ thành "giáo sư" này nọ thì sao. Dù không hiểu cô nói gì, nhưng tôi nhớ.

Khi lên cấp 3, cầm học bạ của tôi cho một người anh con Bác, ông nhìn và nói: "Thằng này chỉ toàn 'yêu - yêu - yêu'." Từ "yêu" ông đọc trại từ từ "yếu". Tôi bị cho là thiểu năng, không có khả năng học tập.

Lý do tôi cắp sách tới trường, có thể mấy ai biết. Tôi nhớ hồi tôi học lớp 5, cô giáo kể về một anh kia, khi được vào quân đội, do gia đình có người thân làm chức to muốn cất nhắc cháu mình, mà anh ta không có nổi bằng tiểu học nên không được. Lý do tuy "ngây ngô" nhưng đó là lý do tôi đi học. Nếu không phải lý do này, chắc tôi không có nổi bằng "tiểu học".

Vì vậy, tôi thấm thía việc đi học mà "không hiểu", "không biết" gì. Sau này, khi dạy lại người khác, tôi thường cố gắng dùng những ngôn từ "bình dân dễ hiểu" nhất.

Cái lý do khi còn nhỏ "tôi học mà không biết gì" ấy thế mà hay, vì tôi không bị ảnh hưởng bởi những cách hiểu máy móc và khả năng lý luận phi logic của họ.

Học xong lớp 12, tôi đi học tiếng Trung, và thế là tôi lại là người học giỏi nhất lớp, còn được bầu làm lớp trưởng. Mấy đứa bạn học cùng cấp 3 đi học cùng thì nói chắc tôi hợp với học ngoại ngữ. Nhưng kỳ thực tôi nhận thấy, không phải tôi có khả năng học tập mà là tôi có khả năng "ghi nhớ" tốt. Hơn nữa, người dạy tôi là một giáo viên thấu hiểu và biết khích lệ tôi học tập.

Thừa thắng xông lên, sau này tôi theo học nhiều chương trình khác, và học khá tốt. Tuy nhiên, tôi vẫn gặp vấn đề vì cách học hay thiên hướng "lý luận" của mình. Bởi tôi hay học với thiên hướng đặt câu hỏi "tại sao?"

Nhiều giáo viên đâm ra ghét tôi vì cách học hay hỏi "tại sao?" Họ nghĩ chắc tôi đang cố gắng bắt bí họ. Nói thật, nếu ngồi học mà nghe từ đầu buổi đến cuối buổi chỉ "nghe" không thì buồn ngủ thật.

Góp ý thật, cách dạy của các giáo sư Việt Nam khá buồn ngủ. Tôi từng học với các giáo sư người nước ngoài, và khi học, đặt câu hỏi "tại sao?", họ rất thích. Nhiều khi tôi hỏi nhiều quá, giáo sư cũng bí. Họ không biết trả lời sao. Tuy nhiên, khác biệt là họ thừa nhận "không biết, để tôi tìm hiểu và trả lời em sau”.

Sau này, những giáo sư đó, sau nhiều năm gặp lại, khi nhìn thấy tôi từ xa, họ chạy tới bắt tay. Còn các "giáo sư" Việt Nam thì nhìn với ánh mắt coi như không biết. Chính vì điều này, sau này khi học với các giáo sư Việt Nam, tôi bớt hỏi lại và dành thời gian tự học nhiều hơn. Điều này cũng dần làm thui chột khả năng tự đặt câu hỏi của tôi.

Vì thế, tôi thiết tha mong rằng các nhà giáo dục Việt Nam hãy tạo điều kiện cho học sinh của bạn có được đặc quyền tư duy phản biện. Đó là quyền lợi mà mọi người học đều xứng đáng được hưởng.

Nguyễn Hưng - Một chút suy niệm về “giáo dục”

Đăng nhận xét

0 Nhận xét