SAI LẦM trong "Nuôi Dạy Con"

Thế hệ của tôi trước đây ít được ba mẹ chiều chuộng. Nhưng thế hệ các em bây giờ lại bị chiều chuộng thái quá, dẫn đến việc con cái trở nên hư hỏng. Chưa kể, các bậc cha mẹ Việt thường không biết cách nuôi dạy con cái. Chúng ta thường nuôi dạy con dựa trên bản năng, ông bà dạy sao thì giờ ta dạy vậy, mà ít khi có tư duy phản biện hay suy nghĩ về tính hợp lý trong việc giáo dục con cái.

SAI LẦM trong "Nuôi Dạy Con"

Tôi từng chứng kiến một số cha mẹ Việt la mắng con mình, chửi "mày là đồ ngu", "lớn lên chỉ có đi ăn cướp thôi", hay thậm chí chửi con mình là "đồ con đĩ này nọ"...

Thử hỏi, có cha mẹ nào yêu con mà lại muốn con mình như thế không?

Chắc hẳn ai cũng muốn con mình thành công, trở thành người có địa vị. Nhưng chúng ta lại thường nói những điều chúng ta không muốn. Vậy, chúng ta thực sự muốn gì cho con cái? 

Hãy nói những điều tích cực với con cái. Hãy chúc phúc cho con thay vì rủa xả. Hãy nói về những điều chúng ta mong con mình trở thành. Hãy xây dựng những ước mơ cho con bạn và đừng cố đạp đổ hy vọng sống của chúng.

Tôi nhớ khi tôi còn nhỏ, tôi vốn là người chậm tiến, trí não lúc nào cũng đi sau người khác. Đi học thì bị thầy cô rầy la, về nhà thì bị bố đánh. Tôi vẫn còn nhớ những lời chửi bới của bố tôi rằng tôi là "đồ ngu", rằng lớn lên chỉ đi "ăn cướp".

Chưa kể, mỗi lần bố tôi say rượu về lại là những trận đòn roi vô lý, giống như tôi không phải là con của ông. 

Tôi nhớ khi ấy tôi học lớp một, tôi cùng mấy trẻ con trong xóm đi tắm sông. Bố tôi phát hiện, trong cơn say, ông bắt tôi lên và quăng tôi xuống sông như người ta quăng một bịch cát, không chút tình thương. Ông cứ quăng đi quăng lại cả chục lần.

Mỗi lần trên bàn nhậu, ông lại nói rằng sẽ cho tôi đi ở với người này, người kia. Lớn lên tôi mới biết đó chỉ là lời nói bâng quơ, đùa vui với bạn nhậu. Nhưng khi đó tôi đã rất sợ. Tôi không sợ vì không được làm con của bố tôi, mà tôi sợ không được làm con của mẹ tôi.

Vì thế, hồi nhỏ tôi là một trong những đứa trẻ ngỗ nghịch nhất xóm. Chửi bậy, đánh lộn có tiếng. Tôi hơn thua và không chịu thua ai vì sự "láo toét" của mình. Những ai từng chứng kiến tôi hồi nhỏ chắc đều biết những điều này.

Tuy nhiên, có một khoảng thời gian tôi sống với bà ngoại, tôi đã thay đổi được tính ngỗ nghịch của mình.

Lớn lên chút, ông bắt tôi làm tất cả các công việc nhà. Nào là nấu cơm, rửa chén bát, giặt quần áo. Tôi từng phải gánh những thùng nước to hơn mình đi qua những ngọn đồi, nơi tôi từng sống tại thành phố Móng Cái. Tôi giống như công cụ hầu hạ mọi người trong gia đình.

Tôi nhớ có lần bố đánh đập tôi chỉ vì tôi mang quần áo giặt về trễ. Nào ai biết khi đó tôi phải mang một thùng quần áo to của 6 người trong gia đình, với những bộ quần áo mùa đông dày cộm ngoài miền Bắc, và phải đi qua một ngọn đồi để giặt. Chưa kể cái giếng khi đó sâu cả chục thước.

Tôi nhớ, có lần bố bắt tôi hầm một con chim bồ câu. Lúc đó, em họ tôi đến nhà chơi và ăn vụng, về ông đánh tôi không còn thần hồn.

Đâm ra khi lớn lên, tôi "hận" bố tôi. Tôi luôn chống đối ông. Nỗi hận đến mức có lần tôi đã ghì ông xuống trong cơn say khi ông về nhà chửi bới, đánh đập vợ con. Nhưng mẹ tôi nhắc rằng ông vẫn là bố tôi.

Nhiều lúc tôi muốn sống buông thả. Tôi chơi với bạn bè xấu, đi ăn nhậu, vào vũ trường, bar club các kiểu. Có lần tôi say khướt không biết đường về nhà. Tôi nhớ nhóm bạn của tôi, sau khi ăn nhậu, karaoke các kiểu, cầm dao kiếm đi hung hăng trên đường. Lúc đó tôi đã say khướt. Nhóm chúng tôi đụng độ với một nhóm khác, gần như xảy ra ẩu đả. May mắn là hai nhóm có người quen chung đứng ra hòa giải. Nếu không, chắc tôi đã chết mà không biết tại sao, vì say quá rồi. Sau lần đó, tôi cũng không còn chơi với nhóm bạn đó nữa vì tôi nghĩ nếu tôi hư hỏng, nếu tôi chết, mẹ tôi sẽ là người đau khổ.

Vì thế, sau nhiều năm xa nhà, tôi đã cầu nguyện để tha thứ cho bố tôi. Tuy nhiên, những tổn thương, những đau đớn tinh thần thì vẫn còn đó. Vì vậy, tôi mong rằng những người làm cha mẹ đừng làm tổn thương con mình qua những lời la mắng hay đánh đập con cái khi chúng mắc sai lầm. Hãy giải thích cho chúng hiểu đâu là điều đúng, đâu là điều sai. Và đừng bao giờ đánh đập con cái khi "tức giận".

Nguyễn Hưng - Một chút suy niệm về “giáo dục”

Đăng nhận xét

0 Nhận xét